Quan tâm nhiều đến người yếu thế
Nhiều người dân quan tâm đến những chính sách để thúc đẩy xóa đói giảm nghèo được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong năm 2013. Bức tranh đó sẽ được Bộ trưởng phác họa bằng những nhận xét như thế nào?
Ngay từ đầu năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức 2 Hội nghị rà soát các chính sách giảm nghèo, cứu trợ xã hội, chính sách dạy nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho lao động nông thôn luôn là tiêu chí hàng đầu của ngành LĐ-TB&XH
Qua hội nghị đã kiểm điểm, đánh giá tình hình xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới, phù hợp. Bên cạnh đó, ngay chính các địa phương cũng chủ động trong tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Kết quả cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 7,8 - 7,6% (giảm 1,8 - 2% so với cuối năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 4%; trợ cấp xã hội thường xuyên cho khoảng 2,6 triệu đối tượng tại cộng đồng với tổng kinh phí khoảng 7.121 tỷ đồng…
Nhìn chung, đối tượng yếu thế đã được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, một số nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng yếu thế bước đầu được đáp ứng như nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…
Kết quả tạo công ăn việc làm cho người lao động có khả quan không, thưa bà?
Đến thời điểm này, ngành Lao động đã tạo việc làm trong nước cho khoảng 1.540 nghìn lao động (đạt 96,25% kế hoạch, bằng 101,29% so với thực hiện năm 2012). Mặc dù chỉ tiêu tạo việc làm không đạt kế hoạch, nhưng cũng có mặt khả quan.
Đó là ngành đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động - việc làm, bước đầu đã quản lý, theo dõi được cung - cầu lao động trên thị trường. Đó là một Cổng thông tin điện tử việc làm được nâng cấp, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động, theo dõi, cập nhật tình hình lao động - việc làm, biến động lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các thành phố lớn…
Đặc biệt, kịp thời đề xuất các giải pháp phục vụ cho công tác quản lý điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cũng như kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đó là có nhiều Trung tâm giới thiệu việc làm được đầu tư nâng cấp ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động.
Trong năm ước tính có khoảng 800 phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại các sàn giao dịch việc làm ở 44 tỉnh, thành phố (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 30 - 40 doanh nghiệp và từ 600 - 700 lao động tham gia, trong đó có khoảng từ 350 - 450 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn thông qua sàn giao dịch việc làm); tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng trên 600 ngàn lượt người. Song song với việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm, nhiều địa phương đã tổ chức các sàn giao dịch vệ tinh, lưu động và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, từng bước đưa thông tin đến với người lao động và người sử dụng lao động.
Còn với xuất khẩu lao động, ngành đạt 100% chỉ tiêu năm 2013, có nghĩa 85.000 lao động đã được ra nước ngoài làm việc. Một số thị trường đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2012 như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động nhằm giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm được việc làm mới cũng được Bộ đặc biệt quan tâm. Với hơn 400.000 người lao động đến đăng ký hưởng BHTN trong 10 tháng, trong đó có 384.813 người thất nghiệp có quyết định hưởng BHTN hàng tháng, gần 29.000 người có quyết định hưởng BHTN một lần. Ngoài ra, ngành đã tư vấn giới thiệu việc làm là 334.479 người và trợ cấp học nghề mới 8.528 người…
Không thấy Bộ trưởng nhắc đến những bất cập, khuyết điểm…?
Kết quả đạt được là vậy nhưng chúng tôi thừa nhận, vẫn không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa cao, trình độ tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề về chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất.
Những địa phương khó khăn, không tự cân đối được ngân sách, chi cho dạy nghề còn thấp; nhiều cơ sở dạy nghề đã được thành lập nhưng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ để đủ điều kiện hoạt động, nhất là thiết bị và giáo viên dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ còn chậm, chưa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm lao động - việc làm của địa phương, hiệu quả còn thấp.
Đặc biệt, còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới. Mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng xã hội được nuôi dưỡng tập trung thấp, đời sống đối tượng rất khó khăn; mạng lưới các cơ sở xã hội như trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho người tâm thần; cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.
Tập trung giảm nghèo bền vững
Năm 2014, ngành sẽ làm gì để khắc phục những bất cập, khó khăn mà bà vừa chỉ ra, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi đã xác định năm 2014 sẽ phát triển đồng bộ thị trường lao động như tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đã ban hành nhằm tạo nhiều việc làm mới và giải quyết việc làm cho người lao động. Từng bước thực hiện cơ cấu lại lực lượng lao động (về quy mô, chất lượng, ngành nghề…) đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế của các ngành, vùng, địa phương.
Tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho lao động nông thôn luôn là tiêu chí hàng đầu của ngành LĐ-TB&XH
Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động làm việc ở nước ngoài và có phương án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài đi đôi với việc theo dõi, hỗ trợ và phát huy lực lượng lao động này khi về nước.
Tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện giảm nghèo bền vững; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống trên từng địa bàn. Lồng ghép các chương trình, dự án mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Song song là thực hiện tốt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020; phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, dịch vụ, cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chuyển đổi cơ cấu lao động.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ngày 3/1/2014 - Theo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét